Trường THPT Thủy Sơn (Hải Phòng) tan hoang sau bão số 3. Ảnh: Sở GD&ĐT Hải Phòng. |
Theo báo cáo từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, 2.687 phòng học bị ảnh hưởng (tốc mái, bung cửa...) chiếm 19,4% số phòng học trên địa bàn thành phố. Trong đó, 1.670 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay; 1.017 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn.
Ngoài ra, 369 phòng học bộ môn bị ảnh hưởng, 96 phòng trong số đó phải tiến hành sửa chữa lớn.
Nhiều phòng không thể sử dụng, bao gồm 732 công trình phụ trợ như nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh; 220 khối phòng hỗ trợ học tập (phòng máy tính, phòng đa năng...); 65 khối phòng sinh hoạt (nhà bếp, nhà ăn). 3.042 cây xanh bị đổ.
"Ngành GD&ĐT thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất; hệ thống trường, lớp học, thiết bị phục vụ dạy và học bị hư hỏng nặng, làm đình trệ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học", Sở GD&ĐT Hải Phòng nêu.
Sở cho biết đã thành lập 5 đoàn công tác trực tiếp tới các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng lớn để kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo khắc phục hậu quả bão.
Các đơn vị phối hợp với các lực lượng khắc phục hậu quả, tổ chức dọn dẹp cảnh quan trường lớp, tăng cường biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, kiểm kê thiệt hại. Cơ bản hoàn thành trong ngày 10/9.
Hiện tại, Hải Phòng cho học sinh nghỉ đến hết ngày 10/9. Sau thời gian này, đối với các trường/cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, Phòng GD&ĐT căn cứ thực tiễn tình hình công tác khắc phụ hậu quả sau bão của các nhà trường trên địa bàn, tham mưu UBND quận/huyện chỉ đạo.
Đối với các trường THPT, phổ thông nhiều cấp có cấp THPT, đơn vị trực thuộc, căn cứ thực tiễn tình hình công tác khắc phụ hậu quả sau bão của các nhà trường, sở sẽ có chỉ đạo cụ thể.
Sở GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục tổ chức kiểm tra, đánh giá, thống kê chi tiết thiệt hại; phân loại mức độ hư hại để có phương án khắc phục phù hợp (trước mắt và lâu dài).
Tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng ngừa dịch bệnh. Các lực lượng tại chỗ của các cơ sở giáo dục tiếp tục tập trung ứng cứu kịp thời các sự cố có thể xảy ra.
Các đoàn kiểm tra theo chỉ đạo của lãnh đạo sở tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác khắc phục tại các cơ sở giáo dục đã được phân công.
Sở cũng đề xuất, kiến nghị UBND thành phố quan tâm, bố trí kinh phí khắc phục, sửa chữa các công trình thiết yếu, cấp bách, trước hết ưu tiên sửa chữa, khắc phục phòng học để đảm bảo hoạt động dạy và học.
Kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông, tổ chức cảnh báo nguy hiểm đối với các tuyến giao thông; cấp điện, cấp nước trở lại; khôi phục hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc; tiêu thoát nước ngập úng, vệ sinh môi trường… Đảm bảo các điều kiện dạy và học khi học sinh quay trở lại trường.
Đề xuất UBND các quận, huyện ưu tiên đảm bảo nhân lực, vật lực, kinh phí khắc phục thiệt hại về cơ sở vật chất nhà trường, trước hết là các phòng học.
Link nội dung: https://tieudung360.vn/gan-2700-phong-hoc-hai-phong-thiet-hai-sau-bao-yagi-182.html