Cụ thể, trăng rằm này sẽ đạt đỉnh vào khoảng 9h35 sáng 18/9 theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên người quan sát tại Việt Nam có thể thấy trăng tròn xuyên suốt 3 đêm từ thứ Ba, 17/9 đến thứ Năm, 19/9. Trăng Trung thu năm nay cũng được coi là siêu trăng, lần thứ hai liên tiếp kể từ siêu trăng xanh mới diễn ra tháng trước. Dự kiến, tháng sau và tháng sau nữa cũng sẽ đón liên tiếp 2 siêu trăng, khiến dịp cuối năm nay có tới 4 siêu trăng liên tiếp.
NASA cho biết, trăng Trung thu năm nay còn đặc biệt ở chỗ đồng thời diễn ra với nguyệt thực một phần. Theo đó, Mặt trăng sẽ tiến vào phần tối bị che bởi Trái đất vào khoảng 8h41 sáng 18/9 theo giờ Việt Nam.
Tới 9h13, nguyệt thực sẽ dễ dàng quan sát được ở những vùng còn đang là ban đêm trên Trái đất, che phủ 8% viền trên Mặt trăng. Sự kiện này có thể quan sát trong khoảng 30 phút. Rất tiếc tại Việt Nam thời điểm đó đang là ban ngày nên chúng ta sẽ không thể theo dõi nguyệt thực.
Cuối cùng, theo nhà vật lý thiên văn Teresa Monsue thuộc Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, siêu trăng lần này sẽ là siêu trăng máu. Do cả ba hiện tượng Mặt trăng diễn ra cùng lúc, nên trăng Trung thu này có thể coi là rất hiếm.
Trăng máu xảy ra trong thời gian nguyệt thực một phần hoặc toàn phần. Trái đất chặn không cho Mặt trời chiếu sáng hoàn toàn Mặt trăng, khiến ánh sáng Mặt trời cuộn quanh từ trường của Trái đất. Từ trường này lọc ánh sáng Mặt trời, chỉ để lại phần lớn ánh sáng từ phần màu đỏ của quang phổ màu, do đó làm cho Mặt trăng có màu đỏ hoặc cam. Tương tự như siêu trăng, trăng máu xảy ra vài lần mỗi năm.
Theo CNET, lần tiếp theo một sự kiện có tới 3 hiện tượng diễn ra đồng thời như này dự kiến xảy ra vào tháng 9/2033 và sau đó là 2042.
Theo giới thiệu của NASA, ở Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, trăng rằm này tương ứng với Tết Trung thu, một lễ hội thu hoạch truyền thống. Ở Trung Quốc, những tên gọi khác của lễ hội này bao gồm Lễ hội Bánh trung thu và Lễ đoàn tụ (khi người vợ về thăm cha mẹ sau đó trở về để ăn mừng cùng chồng và cha mẹ chồng).
Một phần quan trọng của lễ hội bao gồm dâng lễ vật lên Hằng Nga (cũng là tên mà Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc đặt cho các sứ mệnh lên Mặt trăng của họ).
Ở Hàn Quốc và Triều Tiên, Trăng tròn này tương ứng với lễ hội thu hoạch Chuseok, khi người Hàn Quốc về quê, quây quần bên gia đình để tỏ lòng thành kính với linh hồn tổ tiên.
Trăng rằm này cũng diễn ra trong mùa lễ hội Tsukimi hay "Ngắm trăng" của Nhật Bản, còn được gọi là Imomeigetsu (có nghĩa là "Trăng thu hoạch khoai") vì truyền thống cúng khoai lang trong đêm rằm.
Link nội dung: https://tieudung360.vn/trang-ram-trung-thu-2024-don-cung-luc-3-hien-tuong-ky-thu-257.html