Cảng Oakland, cảng lớn thứ ba của California nằm ở Vùng vịnh San Francisco, đang đứng trước bài toán về chuyển dịch xanh. Ảnh: AP. |
Không có bến cảng nào hoạt động một mình. Đó là lý do việc chuyển đổi xanh của các cảng thường gặp rắc rối bởi sự không tương thích giữa tàu bè với các cảng biển khác nhau.
Một số cảng vẫn dựa vào nhiên liệu diesel trên tàu để chạy vì hạ tầng sử dụng hydrogen xanh rất tốn kém, trong khi các cảng biển muốn cắt giảm khí thải sẽ xây dựng các trạm nhiên liệu sạch gắn bờ hoặc ngoài khơi để tiếp liệu cho thuyền bè.
Một cảng biển của California, nơi có quy định môi trường thuộc dạng nghiêm ngặt nhất nước Mỹ, đang đứng trước bài toán này. Cảng Oakland, cảng lớn thứ ba của California nằm ở Vùng vịnh San Francisco, đứng trước câu hỏi làm thế nào để chuyển đổi xanh và xây dựng hạ tầng tương thích với các cảng biển khác, cũng như làm sao có đủ tiền cho quá trình đó.
Tàu chạy bằng nhiên liệu hydrogen là một phần quan trọng trong quá trình giảm phát thải từ hoạt động cảng biển (thay vì tàu chạy bằng nhiên liệu diesel).
Theo Port Tech Technology, trong quá khứ, hydrogen lỏng thường được làm từ nhiên liệu hóa thạch như khí tự nhiên, than. Hydrogen "nâu" được làm từ than thông qua quá trình khí hóa. Hydrogen "xám" - hiện chiếm 75% lượng hydrogen được sản xuất trên thế giới - được trích xuất từ khí tự nhiên thông qua phương pháp gọi là nhiệt hóa metan. Những phương pháp này đều thải ra khí CO2.
"Đó là vấn đề mà tất cả cảng - tại mọi nước, từ các nước châu Âu đến Nhật Bản - đang phải đối mặt", Danny Wan, Giám đốc điều hành của Cảng Oakland (California, Mỹ), nói với nhóm phóng viên trong một chuyến đi thực tế do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức.
"(Chúng ta phải suy nghĩ về việc) công nghệ nào là tốt nhất? Nó có phải hydrogen không? Có phải hydrogen xanh không hay vẫn là hydrogen 'xám'? Và làm sao chúng ta trữ được nó", ông nói.
Các cảng sử dụng điện Mặt Trời thường gặp vấn đề ánh nắng chỉ xuất hiện một phần trong ngày, trong khi pin trữ thường đắt đỏ. Nhiều cảng biển đối mặt tình cảnh này đang phải suy nghĩ về việc đầu tư tiền vào đâu, hoặc làm sao để hợp tác về công nghệ với những cảng biển khác mà tàu bè của họ đến và đi.
Danny Wan, Giám đốc điều hành Cảng Oakland (California, Mỹ). Ảnh: San Francisco Business Times. |
Năng lượng tái tạo cũng không rẻ, đặc biệt trong thời gian đầu. "Nhưng một khi công nghệ mới đã được ứng dụng, mọi người sẽ sử dụng loại nhiên liệu mới (vì nó sẽ rẻ hơn). Công nghệ mới luôn đắt đỏ... Đó là lý do các cơ quan chính phủ nên nhảy vào vì các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Trong thời gian đầu, họ sẽ không đầu tư nếu không thấy lợi nhuận", ông Wan nói.
Ông Wan bày tỏ hy vọng rằng các khoản đầu tư từ chính phủ sẽ thúc đẩy đổi mới từ khối tư nhân. Đến khi các công ty tìm được cách kiếm lợi nhuận từ công nghệ mới, công nghệ ấy sẽ rẻ hơn vì có cạnh tranh.
"Thường thì, dù không phải mọi lúc, chính phủ phải khuyến khích mọi người sử dụng công nghệ mới", ông nói.
Về lâu dài, ông hy vọng hydrogen có thể trở thành hàng hóa có thể xuất nhập khẩu, vì có thể vận chuyển được. Và đó là lúc người ta cần cơ sở hạ tầng đủ sức sản xuất, đóng gói, cũng như vận chuyển hydrogen.
Và dù có muốn hay không, cảng Oakland, với tư cách một cơ quan nhà nước tự thu chi, cũng phải tuân thủ quy định môi trường nghiêm ngặt của California, và các luật lệ của California có thể tạo ra ảnh hưởng trên toàn nước Mỹ như cách gọi "Hiệu ứng California".
Ví dụ, cuối năm 2022, California đã cấm bán xe chạy bằng xăng từ năm 2035, một luật lệ được cho có thể khiến nhiều bang siết chặt quy định pháp lý về xe.
Liên quan đến gói ngân sách hạ tầng Tổng thống Joe Biden thông qua năm 2021, cảng Oakland đã nhận được 80 triệu USD từ chính phủ liên bang, bên cạnh 300 triệu USD từ chính quyền tiểu bang.
"(Gói ngân sách hạ tầng) là một trong những lần hiếm hoi chính phủ liên bang đầu tư số tiền lớn vậy cho hạ tầng cảng", ông Wan nói.
Oakland, một cảng biển của Mỹ đang sử dụng cần cẩu sản xuất tại Trung Quốc, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung từ trước đại dịch, với các lệnh áp thuế hai bên tung ra với đối phương. Sau đại dịch, nơi đây cũng chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu tiêu dùng từ người Mỹ.
"Đại dịch đã khiến mọi người cư xử theo cách chúng tôi chưa từng ngờ tới. Họ ở nhà và mua hàng hóa trên Amazon. Mọi thứ bùng nổ như bong bóng. Rồi đại dịch đi qua, họ không mua đồ nữa mà đi du lịch", vị giám đốc cảng Oakland nói.
Và thay vì đi du lịch đến các vùng biển bên trong nước Mỹ, mọi người đang tận dụng cơ hội để đi nước ngoài trở lại.
Trung Quốc (tính cả đại lục, Hong Kong và đảo Đài Loan), Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là ba đối tác xuất khẩu lớn nhất của cảng này, trong lúc họ mở rộng thị trường ra Đông Nam Á và Ấn Độ.
Danny Wan cho biết ông cũng đã đi đến Nhật Bản, Việt Nam và một số nước khác để khảo sát công nghệ. "Một ngày nào đó, chúng ta phải tương thích được với nhau. Chúng ta phải có hạ tầng tương tự, và các tiêu chuẩn được thiết lập cho mọi cảng", ông nói.
Link nội dung: https://tieudung360.vn/khong-ben-cang-nao-tren-the-gioi-co-the-mot-minh-chuyen-doi-xanh-58.html