Luôn theo dõi các khoản chi tiêu, đa dạng thu nhập
Hà My (SN 1997) hiện cùng chồng sinh sống tại TP. Hà Nội. Chồng cô làm nhân viên của một công ty điện nước, còn vợ làm Kế toán. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 28 triệu/tháng. Để gia tăng thêm khoản tiết kiệm, cả hai còn nhận làm thêm, nhờ đó mỗi tháng họ kiếm thêm được khoảng 6 triệu.
"Sau khi cưới, cưới vợ chồng mình đã duy trì thói quen ghi chép lại các khoản chi tiêu của gia đình. Nhờ đó, tụi mình tiện theo dõi biến động thu chi trong tháng, tổng thu nhập và sự phân bổ của chúng có hợp lý hay không", Hà My chia sẻ.
Hà My cho hay, từ đầu tháng sau khi nhận lương cả hai đều có trách nhiệm tự nộp tiền chi tiêu trong tháng đó. Phần lớn thu nhập của vợ chồng đều cho vào quỹ chung, chỉ giữ lại một số nhỏ cho chi tiêu cá nhân. Vợ chồng cô còn cùng lập bảng lập kế hoạch thu chi trong tháng, đồng thời đánh giá lại tình hình chi tiêu của tháng trước để kiểm tra xem có khoản phát sinh nào không.
Với tổng thu nhập 34 triệu/tháng, vợ chồng cô nàng chỉ dùng 1/2 cho chi phí sinh hoạt, còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư. Cụ thể như sau:
- Tiền thuê nhà và điện nước: 6 triệu.
- Tiền chi tiêu ăn uống hàng ngày: 5 triệu.
- Tiền chi tiêu cá nhân: 4 triệu
Vì công việc bận rộn và muốn tiết kiệm nên vợ chồng Hà My hạn chế chi tiêu bên ngoài. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng chi tiêu thoải mái nhất có thể, nên dành khoảng 2 triệu/người/tháng cho khoản này. Nếu số tiền này không dùng đến, cặp đôi sẽ gom vào quỹ biếu gia đình 2 bên.
- Chi phí phát sinh: 2 triệu.
- Tiết kiệm và đầu tư: Số tiền còn lại.
Riêng tiền thưởng cuối năm và tiền thưởng dịp đặc biệt khác, vợ chồng Hà My tích luỹ để mua bảo hiểm hoặc biếu gia đình hai bên.
Hà My cũng chia sẻ thêm một vài mẹo trong chi tiêu thường hay áp dụng để tiết kiệm tiền tối đa nhất có thể cho gia đình:
- Tiết kiệm điện: Lựa chọn chọn các thiết bị điện cho gia đình có nhãn năng lượng cao nhất giúp tiết kiệm khoản điện tiêu thụ. Bên cạnh đó vào mùa hè, buổi tối sớm nhất là 9h tối vợ chồng cô mới bật điều hoà, đến khoảng 4-5h sáng là tắt, mở hé cửa sổ và bật quạt cho thoáng phòng.
- Mua sắm quần áo tối giản: Vợ chồng chỉ thường mua 4-5 bộ quần áo, trang phục tối giản nên dễ phối đồ và bền.
- Lựa chọn nhà thuê với mức chi phí phù hợp với ngân sách và gần công ty nhất có thể giúp tiết kiệm tiền xăng xe và thời gian đi lại.
Lời khuyên tiền nong cho vợ chồng mới cưới
Hà My và chồng kết hôn được hơn 1 năm. Cô quan điểm, sau khi về chung một nhà thì mọi thứ giữa hai vợ chồng cần được trao đổi công khai và thẳng thắn, chuyện tiền nong cũng nằm trong số đó.
Chỉ vài tháng sau khi kết hôn, cặp đôi đã thống nhất sẽ gom hết tiền lương vào quỹ chung, "nói không" với "tiền ai người nấy tiêu". Cô nàng chia sẻ thêm: " Ở nhà, mình là người quản lý tiền bạc để chi tiêu cho sinh hoạt chung. Chúng mình luôn thành thật với nhau về tài chính của mỗi người như lương, thưởng, làm thêm,... Nhờ đó, vợ chồngcó thể trao đổi với nhau chuyện tài chính thoải mái, không ngại ngùng và hạnh phúc với điều đó".
Đối với những cặp đôi vừa mới kết hôn, cô cho rằng đầu tiên mọi người nên trao đổi rõ ràng với nhau về một số việc: Cưới nhau rồi sẽ quản lý chi tiêu như thế nào? Ai là người nắm giữ "tay hòm chìa khóa"? Trách nhiệm của từng thanh viên trong việc xây dựng kinh tế gia đình? Bên cạnh đó, các cặp đôi nên chuẩn bị quỹ khẩn cấp là 3-6 tháng lương để tránh trường hợp có việc phát sinh bất ngờ phải rơi vào cảnh vay mượn ngay lập tức.
Chia sẻ về dự định tương lai, Hà My cho hay cô sẽ cố gắng giữ chi tiêu như hiện tại, song song là nỗ lực gia tăng thu nhập. Họ vẫn duy trì việc ghi chép và theo dõi thu chi hàng tháng để quản lý tài chính, đồng thời sớm phát hiện khoản nào lãng phí sẽ điều chỉnh để phù hợp.