Nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chính thức được giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Tổ chức nước ngoài được đặt lệch mà không cần đủ tiền
Trước đây, nhà đầu tư ngoại trước khi đặt lệnh mua chứng khoán phải chuyển đủ tiền vào tài khoản. Các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá đây là rào cản với dòng vốn ngoại khi muốn "bước chân" vào thị trường chứng khoán Việt Nam và khuyến nghị cơ quan quản lý cần xem xét gỡ bỏ để đẩy nhanh hơn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sau 2 lần lấy ý kiến công khai và tiếp thu hoàn thiện, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68/2024 quy định về nội dung này.
Theo quy định mới, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh. Quy định này hiện tại chưa áp dụng với nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.
Thông tư cũng quy định công ty chứng khoán thực hiện đánh giá rủi ro thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài để xác định mức tiền phải có khi đặt lệnh mua cổ phiếu (nếu có) theo thỏa thuận giữa 2 bên hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán giao dịch thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.
Công ty chứng khoán được thực hiện bán cổ phiếu trên hệ thống giao dịch đối với số cổ phiếu đã chuyển về tài khoản tự doanh.
"Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi thực hiện giao dịch được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hoặc đại diện theo ủy quyền của nhà đầu tư nước", Thông tư quy định rõ.
Quy định cũng chỉ ra ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền và các chi phí phát sinh (nếu có) trong trường hợp xác nhận sai số dư tiền gửi của nhà đầu tư với công ty chứng khoán dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu.
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu, nghĩa vụ thanh toán thiếu tiền được chuyển cho công ty chứng khoán. Ảnh: Việt Linh. |
Công ty chứng khoán phải đảm bảo đủ tiền để thanh toán giao dịch
Cùng với các quy định trên, Thông tư 68/2024 cũng nêu rõ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu phải có đủ tiền trên tài khoản, trước thời điểm thành viên lưu ký phải chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thanh toán để thực hiện thanh toán giao dịch chứng khoán.
Việc bù trừ, thanh toán giao dịch mua cổ phiếu được thực hiện theo quy định pháp luật và quy chế của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặt lệnh mua cổ phiếu thiếu tiền thanh toán, VSDC thực hiện chuyển nghĩa vụ thanh toán giao dịch mua thiếu tiền này thành nghĩa vụ của công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh mua (qua tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán) tại ngày thanh toán.
Trường hợp nhà đầu tư mở tài khoản lưu ký tại công ty chứng khoán, công ty chứng khoán thông báo cho VSDC về việc nhà đầu tư thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và thông tin giao dịch đề nghị chuyển thành nghĩa vụ thanh toán của công ty chứng khoán.
Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký tại ngân hàng lưu ký, ngân hàng thông báo cho VSDC về việc nhà đầu tư thiếu tiền thanh toán giao dịch mua cổ phiếu và từ chối thanh toán giao dịch thiếu tiền đó.
“Công ty chứng khoán phải bảo đảm đủ tiền để thanh toán cho giao dịch theo quy định. Công ty chứng khoán bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật và quy chế của VSDC trong trường hợp không bảo đảm thực hiện nghĩa vụ", Thông tư 68 nêu rõ.
Ngoài nội dung đáng chú ý về ký quỹ, Thông tư 68/2024 còn đưa ra lộ trình công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh áp dụng với tổ chức niêm yết, công ty đại chúng.
Theo đó, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh kể từ ngày 1/1/2025.
Còn tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của công ty đại chúng đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh kể từ đầu năm 2026.