Sắp có quy trình chung để các ngân hàng phối hợp xử lý các giao dịch nghi ngờ gian lận, lừa đảo

Việc xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo nhằm đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán là rất cần thiết để bảo mật thông tin và bảo vệ khách hàng.
5722-2-88d9a1e2-17260153967092024478290-0-0-408-653-crop-1726015399543335094312-1726029179.webp

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) mới đây đã tổ chức họp bàn, tiếp thu ý kiến của hội viên nhằm hoàn thiện về quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo.

Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, việc xây dựng quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo nhằm đảm bảo an toàn hoạt động thanh toán là rất cần thiết để bảo mật thông tin và bảo vệ khách hàng

Trong đó, mục tiêu của việc ban hành quy trình phối hợp nhằm giúp các tổ chức tín dụng cùng thực hiện tốt và không trái với các quy định pháp luật cũng như đồng nhất quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Theo Thông tư 17 và Thông tư 18 có nhiều quy định chi tiết từ thực tiễn phát sinh liên quan đến thỏa thuận nhưng giao dịch, phong tỏa tài khoản chính chủ có nghi ngờ gian lận, lừa đảo.

Theo đại diện Napas, sau khi được phân công làm đơn vị đầu mối soạn thảo, đến nay đã nhận được 172 ý kiến từ các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp đó, tổ soạn thảo đã tiếp thu và chỉnh sửa quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo để đảm bảo quy trình được hoàn thiện hơn.

Tổ soạn thảo đã xây dựng xong dự thảo quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo với 11 Điều cùng các biểu mẫu và phụ lục kèm theo.

Ngoài ra, dự thảo quy trình cũng cố gắng liệt kê tất cả các quy tắc tình huống liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo.

Đại diện Napas cho biết thêm, trước khi tổ soạn thảo xây dựng quy trình này thì các ngân hàng cũng đã thực hiện những quy định riêng có của mỗi ngân hàng. Vì vậy, việc xây dựng quy trình chỉ là những liên kết và đưa ra cách thức thống nhất chung nhất để có được quy trình phối hợp chung hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo hợp lý nhất.

Bên canh đó, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có Văn bản số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC ngày 20/7/2022 về việc hướng dẫn công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do vậy, khi quy trình phối hợp hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận giả mạo, lừa đảo chính thức ban hành, đồng thời kết hợp với Văn bản số 14/HDLN-BCA-VKSNDTC sẽ có sự hỗ trợ nhanh nhất trong việc xử lý các trường hợp tố giác tội phạm thuận lợi hơn.

TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc xây dựng và ban hành quy trình là vì khách hàng, đồng thời mong muốn các tổ chức tín dụng sẽ thống nhất thực hiện khi quy trình, quy định phối hợp xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo được chính thức ban hành.

Tổng thư ký Hiệp hội cũng mong muốn khoảng cuối tháng 10/2024, sẽ hoàn thiện quy trình phối hợp, hỗ trợ xử lý tài khoản, thẻ liên quan đến giao dịch nghi ngờ gian lận, giả mạo, lừa đảo để tiếp tục gửi lấy ý kiến và hoàn thiện thêm. Sau đó, dự kiến tháng 11/2024, sẽ chính thức ban hành để áp dụng chung trong tất cả các tổ chức tín dụng hội viên thực hiện.