Số người siêu giàu Trung Quốc tăng nhanh nhất thập kỷ

Trung Quốc đang có 2.350 người sở hữu khối tài sản ròng 100 triệu USD trở lên, tăng hơn gấp đôi sau 10 năm.

Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Hàng Châu, Quảng Châu lọt Top 50 thành phố có nhiều triệu phú USD nhất thế giới. Ảnh: CNBC.

Theo báo cáo từ New World Wealth và Henley & Partners, "câu lạc bộ" giới siêu giàu trên thế giới đã mở rộng quy mô đáng kể trong 10 năm qua. Số lượng cá nhân sở hữu tổng tài sản từ 100 triệu USD trở lên, hay còn gọi là “centimillionaire”, đã đạt con số 29.350 người, trong đó Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia có mức tăng trưởng mạnh nhất.

Juerg Steffen, Giám đốc điều hành của Henley & Partners nhận định: “Mỹ và Trung Quốc đã trải qua sự bùng nổ của những triệu phú USD, vượt trội đáng kể so với các nước châu Âu".

Trung Quốc bứt phá

Đáng chú ý, Trung Quốc ghi nhận mức tăng mạnh mẽ 108% về dân số siêu giàu so với 10 năm trước. Con số này vượt qua cả Mỹ, nơi tầng lớp siêu giàu tăng 81% cùng giai đoạn. Juerg Steffen cho rằng sự gia tăng người siêu giàu của Trung Quốc phần lớn được thúc đẩy bởi sự phát triển của các ngành công nghệ và công nghiệp.

Tuy vậy, Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu về số người siêu giàu, khi thống kê tại 15 thành phố của nước này có đến 3.503 triệu phú USD. Trong khi đó, số người sở hữu 100 triệu USD trở lên tại Trung Quốc mới ở mức 2.350 người. Dự đoán trong gần 2 thập kỷ tới, Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng thêm 50% dân số siêu giàu.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chững lại do khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thất nghiệp cao và suy giảm sức tiêu dùng. Theo Andrew Amoils, chuyên gia phân tích tài sản tại New World Wealth, phần lớn sự bùng nổ của tầng lớp siêu giàu Trung Quốc diễn ra trong giai đoạn 2013-2020 và chỉ tăng khoảng 10% kể từ năm 2020 đến nay.

Dù vậy, theo Henley & Partners, các thành phố như Hàng Châu và Thâm Quyến vẫn có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm công nghệ mới nổi, với mức tăng trưởng dự kiến lên đến 150% về dân số siêu giàu vào năm 2040. Nền kinh tế của Hàng Châu đã tăng trưởng 6,9% trong nửa đầu năm 2024, trong khi Thâm Quyến đạt mức tăng 5,9%.

Dự báo từ nay đến năm 2040, dân số siêu giàu của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng 80-100%, vượt xa mức tăng trưởng toàn cầu dự kiến khoảng 75%.

Ngoài Trung Quốc và Mỹ, các thành phố ở châu Á và Trung Đông như Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Dubai (UAE), Abu Dhabi (UAE) và Bengaluru (Ấn Độ) cũng được dự đoán ghi nhận mức tăng trưởng 150% về lượng người siêu giàu trong thập kỷ tới.

Trong Top 50 thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới, Ấn Độ hiện có 359 người, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) theo sau với 280 triệu phú.

Châu Âu hụt hơi trong cuộc đua giới siêu giàu

Trong khi Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng vượt bậc, châu Âu lại chứng kiến sự trì trệ, đặc biệt ở các quốc gia lớn như Đức, Pháp và Anh.

Các trung tâm tài chính truyền thống như Zurich (Thụy Sĩ), Moscow (Nga) và Madrid (Tây Ban Nha) có khả năng trải qua mức tăng trưởng chậm dưới 50%. Theo ước tính, Zurich và Geneva là hai thành phố duy nhất của Thụy Sĩ lọt Top 50 thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới với tổng 449 người, Nga và Tây Ban Nha theo sau với lần lượt 207 người và 74 người.

Theo Giám đốc điều hành của Henley & Partners, nguyên nhân được cho là do sự bất ổn về chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, trong khi các thị trường lớn tại châu Âu đang tụt lại phía sau, các thị trường nhỏ hơn như Monaco, Malta, Montenegro và Ba Lan lại ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể về số lượng người thuộc giới siêu giàu, tăng từ 75% trở lên.

Nguyên nhân do các thị trường này đang có tốc độ phát triển kinh tế ổn định, và đặc biệt có nhiều chính sách thuế ưu đãi, thu hút giới siêu giàu đến sinh sống và đầu tư. Điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng tài sản tư nhân và dòng vốn ngoại tệ vào các lĩnh vực bất động sản, tài chính hay dịch vụ ở các thị trường này.

chau au,  kinh te trung quoc anh 1

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Mỹ nói chung và giới siêu giàu nói riêng. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, đà thống trị của Mỹ có thể biến động dựa trên kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

“Xu hướng tăng trưởng và di cư của tầng lớp thượng lưu sẽ phụ thuộc nhiều vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, khi sự khác biệt rõ rệt về chính sách tài khóa, tiền tệ, kinh tế và xã hội diễn ra”, David Young, Chủ tịch Ủy ban Phát triển Kinh tế tại The Conference Board, cho biết.

Nhìn chung, bức tranh tài sản toàn cầu đang chịu sự chi phối của các xu hướng thị trường lớn. Chỉ số MSCI World, đo lường hiệu suất thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng 93% trong thập kỷ qua, phần lớn do sự tăng trưởng vượt bậc của cổ phiếu công nghệ tại Mỹ và châu Á.

Trên thực tế, giới siêu giàu thường đầu tư hơn 40% tài sản vào cổ phiếu niêm yết, do vậy những biến động trên thị trường có tác động mạnh mẽ đến danh mục đầu tư của giới siêu giàu.