Tupperware nộp đơn xin bảo hộ phá sản

Tupperware Brands Corp đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm vật lộn với kết quả kinh doanh sa sút.

Tupperware phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều lần bị cảnh báo về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh. Ảnh: Shutter Stock.

Theo Bloomberg, công ty chuyên sản xuất các đồ dùng nhà bếp, vốn thống trị thị trường lưu trữ thực phẩm toàn cầu trong nhiều thập kỷ - Tupperware - đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều lần bị cảnh báo về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh kể từ năm 2020.

Hồi tháng 4, hãng đồ gia dụng của Mỹ từng cho biết trong một báo cáo nộp lên Ủy ban Chứng khoán nước này (SEC) rằng công ty đang "nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động trong thời gian tới" và phải làm việc với các cố vấn tài chính để tìm ra cách giải quyết.

Tupperware tuyên bố sẽ không có đủ tiền mặt để hoạt động nếu không được rót thêm vốn.

Đến tháng 6 năm nay, công ty lên kế hoạch đóng cửa nhà máy duy nhất tại Mỹ và sa thải gần 150 nhân viên.

Việc nộp đơn xin bảo hộ phá sản của Tupperware diễn ra sau nhiều tháng đàm phán với các chủ nợ về việc xử lý khoản vay hơn 700 triệu USD. Các chủ nợ đã đồng ý cho công ty thời gian để giải quyết khoản nợ, nhưng tình hình kinh doanh vẫn tiếp tục xấu đi.

Các chuyên gia cho rằng những sai lầm về quản trị tài chính, sự lỗi thời của mô hình bán hàng trực tiếp trong kỷ nguyên thương mại điện tử, cũng như sự xuất hiện của các đối thủ giá rẻ hơn, đã góp phần khiến Tupperware trượt dốc.

Ngoài Tupperware, ngành hàng bán lẻ đồ gia dụng tuần trước còn ghi nhận thêm trường hợp của Big Lots - một hãng bán lẻ đồ dùng gia đình giá rẻ với hơn 1.400 cửa hàng - cũng phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Theo CNN, CEO Big Lots Bruce Thorn nói rằng Nexus Capital Management sẽ thâu tóm "gần như toàn bộ" các cửa hàng và hoạt động kinh doanh của hãng này. Hồ sơ nộp lên tòa án cho biết Big Lots đã đồng ý bán mảng kinh doanh cho Nexus với giá 760 triệu USD. Website và các cửa hàng vẫn hoạt động trong thời gian này.

Theo Big Lots, các yếu tố kinh tế đã đẩy họ đến tình trạng phá sản, bao gồm lạm phát và lãi suất cao. Những điều này khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng. Họ tìm kiếm những đồ có ích với mình mà không nhất thiết là hàng giảm giá.

Sau đợt bùng nổ mua sắm hậu đại dịch, các hãng bán lẻ gần đây đang phải chật vật vì lạm phát cao. Những sản phẩm giá trị lớn, không thiết yếu, nhanh chóng bị loại khỏi danh sách mua sắm của nhiều hộ gia đình tại Mỹ.

Lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện ở mức gần 3%, giảm đáng kể so với mức 9% giữa năm 2022, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% mà giới chức nước này đưa ra.