Ham vài trăm nghìn cashback mà chi đến cả chục triệu mỗi tháng, nhiều chủ thẻ rơi vào vòng xoáy tiêu dùng quá mức

Với những dòng thẻ có tỷ lệ cashback cao lên đến 20%, khách hàng phải chi tiêu tối thiểu 5 đến 25 triệu đồng mỗi tháng mới nhận được khoản tiền hoàn không quá 1 đến 2 triệu.

Đẩy mạnh doanh thu bán lẻ, các ngân hàng đua nhau ra mắt nhiều loại thẻ tín dụng mới, kèm theo đó là hàng loạt chương trình “cashback - hoàn tiền” nhằm thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Những dòng thẻ có tỷ lệ hoàn tiền cao nhất thị trường có thể kể đến Cake Freedom và VieON Cake (hoàn tiền 20% lên đến 1 triệu đồng/kỳ sao kê), Mastercard mDigi (hoàn tiền 20% tối đa 300 nghìn đồng/kỳ sao kê) hay MSB Visa Online cũng có mức hoàn tương tự.

Nếu biết khéo léo kết hợp những ưu đãi của thẻ tín dụng cùng khuyến mãi từ nhãn hàng, người tiêu dùng quả thực có thể tiết kiệm được một khoản chi tiêu đáng kể.

Mới đây, chị H.T (Hà Nội) khoe trên một group thẻ ngân hàng rằng đã săn được vé máy bay đi Nhật Bản chỉ 2,5 triệu/chiều nhờ đặt qua Agoda được giảm 8% và thanh toán bằng thẻ hoàn thêm 15%. Ngoài ra, khi ăn uống mua sắm tại Nhật, tận dụng chính sách hoàn tiền 15% của một thẻ khác, chị còn được hoàn tới 2,5 triệu trên tổng chi tiêu 12 triệu.

Không chỉ riêng chị H.T, nhiều khách hàng còn sở hữu hẳn một “bộ sưu tập” thẻ tín dụng với các chính sách hoàn tiền khác nhau, nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu chi tiêu hàng ngày. Với khả năng “chi tiêu trước trả tiền sau”, chủ thẻ mạnh tay đổ tiền vào mua sắm, du lịch, ăn uống, giải trí với quan niệm rằng tiêu càng nhiều thì sẽ tiết kiệm được càng nhiều.

Tuy nhiên, hầu hết các dòng thẻ có mức “cashback” cao đều đi kèm với điều kiện chi tiêu cao hoặc mức phí thường niên lớn.

Ví dụ như thẻ tín dụng Cake Freedom, để đủ điều kiện hoàn tiền 20%, khách hàng cần chi tiêu tối thiểu 5 triệu đồng/kỳ sao kê cho một danh mục chi tiêu bất kỳ trong 12 danh mục mà ngân hàng đề ra. Ngoài ra, số tiền hoàn khách hàng nhận được cho 1 kỳ sao kê sẽ không vượt quá 1 triệu đồng.

Hay đối với thẻ KBank CashBack Plus (Platinum), để hưởng mức hoàn tiền 15% lên đến 1 triệu đồng mà ngân hàng hứa hẹn, khách hàng cần chi tiêu tối thiểu 15 triệu đồng/tháng. Đối với khách hàng không đạt đủ mức chi tiêu này, số tiền hoàn sẽ không quá 300 nghìn đồng/kỳ sao kê.

Thẻ VPBank Diamond World Mastercard áp dụng hoàn tiền đến 10% cho các danh mục ăn uống, thời trang; 5% đối với chi tiêu siêu thị; 1% với chi tiêu Golf; nhưng với điều kiện tổng chi tiêu đạt từ 30 triệu đồng/kỳ sao kê và tổng tiền hoàn tối đa là 1 triệu đồng. Với các danh mục chi tiêu khác, tỷ lệ hoàn tiền rất thấp, chỉ 0,3% giá trị giao dịch.

Với mức thu nhập bình quân chỉ từ 7,5 triệu đồng/tháng của người Việt Nam, không nhiều người có thể đáp ứng điều kiện chi tiêu tối thiểu cả chục triệu đồng mỗi tháng như vậy. Nhiều chủ thẻ chia sẻ rằng, chỉ vì mấy trăm nghìn tiền hoàn mà họ phải cân đo đong đếm, ham tiêu những khoản không thực sự cần thiết. Hệ quả là tiêu thì nhiều mà chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng đưa ra chính sách hoàn tiền hấp dẫn nhưng chỉ duy trì trong khoảng thời gian nhất định. Một số khác thì thay đổi hoặc siết chặt chính sách hoàn tiền sau một thời gian phát hành thẻ như Cake Freedom, tăng mức chi tiêu tối thiểu từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng kể từ tháng 9/2024.

Không chỉ không được hoàn tiền, nhiều thẻ còn không miễn phí thường niên/không áp dụng các dịch vụ đi kèm như phòng chờ máy bay nếu khách hàng không đạt đủ mức chi tiêu mà ngân hàng yêu cầu. Vì vậy, để tận dụng được những ưu đãi này và tránh mất thêm các khoản phí khác, khách hàng không còn cách nào ngoài chi mạnh tay hơn vào mua sắm, tiêu dùng, đôi khi tiêu dùng vượt quá khả năng mà thu nhập có thể chi trả.

Không thể phủ nhận những lợi ích mà thẻ tín dụng cũng như những chính sách hoàn tiền đem lại cho khách hàng. Tuy nhiên, để tránh rơi vào vòng lặp tiêu dùng quá mức, khách hàng trước khi mở thẻ nên nghiên cứu kỹ các điều khoản và chỉ mở những thẻ có hạn mức phù hợp với nhu cầu, khả năng chi trả của mình.