Công nghệ hủy mỡ không cần phẫu thuật có tốt?

Bác sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, giảng viên Bộ môn phẫu thuật tạo hình tại Đại học Y Hà Nội và Phó trưởng khoa thẩm mỹ bệnh viện Hòe Nhai, cho biết có hai phương pháp giảm mỡ trong thẩm mỹ: giảm mỡ phẫu thuật (hút mỡ) và giảm mỡ không phẫu thuật.

Cả hai đều sử dụng công nghệ hiện đại như sóng siêu âm cavitation, laser để hóa lỏng mô mỡ. Sự khác biệt là phương pháp hút mỡ yêu cầu tạo vết rạch nhỏ trên da để đưa mỡ lỏng ra ngoài, trong khi giảm mỡ không phẫu thuật cho phép mỡ lỏng được đào thải tự nhiên qua đường bài tiết.

Hiện phương pháp hủy mỡ không cần phẫu thuật phổ biến đang được nhiều chị em tìm tới là công nghệ laser diode. Công nghệ này được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Nó giúp loại bỏ các tế bào mỡ dưới da mà không cần phẫu thuật, phù hợp với nhiều vùng trên cơ thể như bụng, hông, đùi, lưng và vùng dưới cằm.

Công nghệ này hoạt động bằng cách sử dụng năng lượng laser diode 1060 nm để phá hủy các tế bào mỡ mà không làm tổn thương mô xung quanh. 

"Nó hiệu quả trong việc giảm mỡ cục bộ, nhưng mô tả nó như phương pháp giảm béo "thần tốc" có thể gây hiểu lầm", bác sĩ Nghĩa nói.

Công nghệ laser diode có thể giảm 20-25% lượng mỡ tại vùng điều trị sau một lần, nhưng kết quả sẽ khác nhau tùy vào cơ địa và tình trạng mỡ ban đầu. Sự thay đổi thường thấy rõ sau khoảng 6 tuần và kết quả tối ưu sau 12 tuần.

Dù vậy laser diode không phải là phương pháp giảm cân toàn diện và không thể giảm mỡ xung quanh ruột. Phương pháp này chỉ nhắm vào mỡ cứng đầu khó giảm bằng chế độ ăn uống và luyện tập, không thay thế lối sống lành mạnh, không ngăn chặn sự tích tụ mỡ mới. Vì thế để duy trì kết quả, bạn cần kết hợp chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

Theo chuyên gia, công nghệ laser diode hiệu quả trong việc giảm mỡ cục bộ, nhưng mô tả nó như phương pháp giảm béo "thần tốc" có thể gây hiểu lầm. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, công nghệ laser diode hiệu quả trong việc giảm mỡ cục bộ, nhưng mô tả nó như phương pháp giảm béo "thần tốc" có thể gây hiểu lầm. (Ảnh minh họa)

Giảm mỡ bằng laser diode gây ra một số tác dụng phụ như đỏ da hoặc sưng nhẹ tại vùng điều trị, thường tự giảm sau vài giờ đến vài ngày. Bệnh nhân có thể cảm thấy nóng rát hoặc khó chịu, nhưng cảm giác này thường giảm dần.

Đau nhẹ tương tự như đau cơ có thể xuất hiện trong vài ngày và kiểm soát bằng thuốc giảm đau không kê đơn. Ngoài ra, một số người có thể cảm thấy tê hoặc nhói, triệu chứng này cũng là tạm thời và sẽ giảm dần sau vài ngày hoặc vài tuần.

Sử dụng laser diode có thể gây ra một số nguy cơ tiềm ẩn, gồm tổn thương da như bỏng hoặc rộp do nhiệt độ cao từ laser, mất sắc tố da tạm thời hoặc vĩnh viễn, và tăng sắc tố da có thể kéo dài. Hiệu quả điều trị có thể không đồng đều, đôi khi cần thêm phiên điều trị để đạt kết quả mong muốn. Hiếm khi các mô xung quanh như mô liên kết hoặc mạch máu bị ảnh hưởng. 

Ths.BS Vũ Hữu Huân, khoa Tạo hình thẩm mỹ Đại học Y Hà Nội, cho biết, hiện nay có một số đơn vị quảng cáo quá đà về công nghệ laser diode, như giảm mỡ thần tốc, hiệu quả ngay lần đầu trải nghiệm, tất cả là chiêu trò thu hút khách hàng. Thực tế việc giảm mỡ bằng công nghệ laser diode không nhanh chóng mang lại kết quả như vậy, tuy giảm được mỡ nhưng cần có thời gian. 

Mỡ dưới da sau khi sử dụng công nghệ laser diode sẽ hóa lỏng và dễ chuyển hóa hơn qua đường bài tiết, tuy nhiên cần tác động liên tục trong vài tháng. Phần mỡ nội tạng thì phụ thuộc quá trình chuyển hóa cơ thể kết hợp chế độ ăn và tập luyện. Công nghệ này không trực tiếp ảnh hưởng mỡ nội tạng.

"Đây là công nghệ hỗ trợ quá trình chuyển hóa mỡ dưới da chứ không thần thánh hiệu quả cao như các thủ thuật hút mỡ chủ động trực tiếp", bác sĩ Huân nói và cho biết không có máy móc hay thuốc nào giúp giảm cân thần kỳ, mà lối sống và chế độ luyện tập lành mạnh là yếu tố chính để giảm cân bền vững.

Nguyễn Ngoan