Thẻ tín dụng nào được hoàn tiền mua sắm nhiều nhất?

Đẩy mạnh doanh thu bán lẻ, các ngân hàng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi cashback cho phép người dùng được hoàn lại số tiền đã chi tiêu mua sắm trước đó lên tới 20%.

Hầu hết ngân hàng hiện đều có dòng thẻ tín dụng cashback với tỷ lệ hoàn tiền cao. Ảnh: Forbes.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành đã đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê của Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy trong giai đoạn này, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng trưởng trên 50%.

Các chuyên gia cho rằng hoạt động tiêu dùng trong nước tăng trưởng từ đầu năm có đóng góp tích cực từ các giải pháp kích cầu tiêu dùng của cơ quan quản lý và các ngành hàng, doanh nghiệp, bao gồm cả ngành ngân hàng thông qua các ưu đãi chi tiêu thẻ tín dụng.

Thực tế, xu hướng chi tiêu trước, trả tiền sau qua thẻ tín dụng ngày càng phổ biến khi các nhãn hàng và ngân hàng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại, cũng như chương trình cashback (tạm dịch: hoàn tiền) sau chi tiêu.

Thẻ tín dụng hoàn tiền tới 20%

Hầu hết ngân hàng hiện nay đều cho ra mắt các sản phẩm thẻ tín dụng cashback để khuyến khích khách hàng chi tiêu. Như tại HDBank, nhà băng này hiện có sản phẩm thẻ tín dụng HDBank Priority với ưu đãi hoàn tiền cho các giao dịch mua sắm lên tới 15%, giá trị hoàn tối thiểu 100.000 đồng/tháng và tối đa 300.000 đồng/tháng.

Chủ thẻ HDBank Priority cũng sẽ được hoàn 0,5% giá trị cho các chi tiêu khác. Giá trị hoàn tối thiểu 100.000 đồng/tháng và tối đa 500.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, khách hàng còn được hưởng bảo hiểm du lịch toàn cầu đến 12 tỷ đồng và nhận ưu đãi giảm 1 triệu đồng cho các dịch vụ phòng chờ sân bay, golf (tối đa 4 lượt/năm cho khách hàng đáp ứng đủ điều kiện).

Dòng thẻ này của HDBank cũng có ưu đãi giảm đến 40% chi phí đặt phòng, ăn uống hoặc dịch vụ giải trí và trả góp lãi suất 0% tại các đối tác liên kết của ngân hàng.

Tại Eximbank, nhà băng này hiện có sản phẩm thẻ tín dụng cashback EximBank Violet với tỷ lệ hoàn tiền lên đến 20%, giá trị hoàn tối đa 600.000 đồng/tháng và 7,2 triệu/năm, tối thiểu 100.000 đồng/kỳ sao kê, áp dụng khi mua sắm trực tuyến, ăn uống và các dịch vụ giải trí. Phí thường niên áp dụng là 400.000 đồng/năm.

Thẻ tín dụng này cũng đi kèm với ưu đãi khác như tích điểm đổi quà, miễn phí thường niên năm đầu.

Ngân hàng Quốc tế (VIB) đang chạy chương trình sản phẩm thẻ tín dụng VIB SuperCard cũng là dòng thẻ hoàn tiền/nhận điểm thưởng tốt với tỷ lệ hoàn lên tới 15%, áp dụng với nhóm ngành ẩm thực, du lịch, mua sắm. Trường hợp giao dịch mua sắm và chi tiêu hàng ngày hoặc giao dịch trực tuyến/nước ngoài, tỷ lệ hoàn tiền là 10%.

Chủ thẻ VIB SuperCard cũng có thể tùy chọn thay đổi ngày sao kê, tỷ lệ thanh toán tối thiểu hoặc các danh mục ngành hàng nhận hoàn tiền/điểm thưởng. Thẻ cũng có dịch vụ trả góp 0% tại Shopee trong thời gian 12 tháng.

Tuy nhiên, do là thẻ American Express nên không phải địa điểm mua sắm nào cũng có dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho dòng thẻ này. Ngoài ra, mức phí thường niên thẻ khá cao, lên tới 999.000 đồng/năm.

Tại VPBank đang có dòng thẻ tín dụng VPBank StepUp áp dụng ưu đãi hoàn tiền 15% cho các giao dịch mua sắm trực tuyến, thanh toán hóa đơn. Hoàn tiền giao dịch online 6% với tổng chi tiêu dưới 10 triệu đồng/tháng và 15% với tổng chi tiêu từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Trong đó, giá trị hoàn tiền tối đa của dòng thẻ này là 600.000 đồng/tháng và 7,2 triệu đồng/năm. Tiền hoàn sẽ được chuyển về tài khoản cashback. Phí thường niên của loại thẻ này không quá cao, hiện áp dụng ở mức 499.000 đồng.

Ngoài ra, thẻ đi kèm với các quyền lợi khác như tích lũy điểm thưởng, miễn phí thường niên năm đầu.

Tuy nhiên, nhược điểm của thẻ tín dụng này là một số giao dịch thanh toán dịch vụ định kỳ (như Netflix, Spotify, YouTube Premium...) không được áp dụng hoàn tiền. Hay việc mua sắm trên ứng dụng thương mại điện tử Shopee, mua ứng dụng, mua hàng qua ứng dụng có tỷ lệ hoàn tiền rất thấp chỉ 0,1%.

MỘT SỐ DÒNG THẺ TÍN DỤNG CASHBACK TỶ LỆ CAO KHI MUA SẮM
Dòng thẻ Ưu đãi/Tỷ lệ cashback
HDBank Priority - Hoàn 15% cho mua sắm hàng hóa, 0,5% cho chi tiêu khác
- Bảo hiểm du lịch toàn cầu đến 12 tỷ đồng
- Giảm đến 40% chi phí đặt phòng, ăn uống hoặc dịch vụ giải trí
- Giảm đến 50% khi chơi golf tại hệ thống liên kết của HDBank
- Trả góp lãi suất 0% tại các đối tác liên kết của HDBank
- Hoàn phí thường niên năm đầu tiên với giá trị đến 1,9 triệu đồng; hoàn phí thường niên năm đầu tiên cho chủ thẻ phụ
- Miễn lãi tối đa 55 ngày
EximBank Violet

- Hoàn tiền 20% các giao dịch online

- Giá trị hoàn tiền tối đa 600.000 đồng/tháng, 7,2 triệu/năm, tối thiểu 100.000 đồng/kỳ sao kê

VIB Super Card

- Hoàn tiền/nhận điểm thưởng với ẩm thực, du lịch, mua sắm (15%), giao dịch trực tuyến/nước ngoài (10%). Hoàn tiền tối đa 1 triệu/tháng

- Trả góp 0% Shopee lên tới 12 tháng

VPBank StepUp

- Hoàn tiền giao dịch online 6% với tổng chi tiêu dưới 10 triệu/tháng và 15% với tổng chi tiêu từ 10 triệu/tháng trở lên. Giá trị hoàn tiền tối đa 600.000 đồng/tháng và 7,2 triệu đồng/năm

KBank Cashback Plus

- Hoàn tiền 10% khi thanh toán tại Việt Nam; 15% cho mọi giao dịch tại Thái Lan

HSBC Visa Cash Back - Hoàn tiền lên tới 6% tại siêu thị và cửa hàng tạp hóa

Lưu ý khi mở thẻ tín dụng

Với nhiều lợi ích thiết thực, thẻ tín dụng đang là công cụ tài chính trong chi tiêu của không ít người tiêu dùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cá nhân khuyến nghị với khách hàng có mức chi tiêu hàng tháng không cao, nên cân nhắc kỹ việc mở thẻ tín dụng.

Đặc biệt, cần tìm hiểu kỹ về mức lãi suất của thẻ, điều kiện ưu đãi kèm theo của các ngân hàng để chọn dòng thẻ cho phù hợp, tránh áp lực gánh nặng trả nợ.

Bà Nguyễn Hồng Thanh, Trưởng Tiểu ban chính sách Chi hội thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) đưa khuyến nghị các khách hàng phải nghiên cứu kỹ quy định sử dụng, quy định về tính lãi, phí, trách nhiệm liên quan khi sử dụng thẻ tín dụng.

Bên cạnh hợp đồng sử dụng thẻ, khách hàng cần tìm hiểu kỹ biểu phí, cách tính lãi thẻ. Định kỳ hàng tháng, ngân hàng gửi thông báo sao kê, số dư nợ phát sinh, số tiền tối thiểu thanh toán tới khách hàng, cần xem kỹ để thanh toán đầy đủ, đúng hạn để tránh nợ chồng nợ không như mong muốn.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.